HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI, HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC SÁP NHẬP THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

0

Chiều 17/9/2024, đồng chí Phạm Duy Hưng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai, hướng dẫn công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Dự tại điểm cầu UBND huyện có đồng chí Đỗ Thị Hiền – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ. các đồng chí lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, Thường trực Đảng uỷ, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn trên địa bàn.

 Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND huyện

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 947 thôn, tổ dân phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ; tổ, tiểu khu có dưới 100 hộ) thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2012/TT-BNV. Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 620/KH-UBND ngày 16/9/2024 về triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Kế hoạch đề rõ các mốc thời gian thực hiện: Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố hoàn thành trước ngày 27/9/2024; xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã hoàn thành trước ngày 25/10/2024; xây dựng đề án cấp huyện hoàn thành trước ngày 01/11/2024; đề án cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2024. Tiến hành kiện toàn các tổ chức và thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND huyện

Tại Hội nghị Sở Nội vụ hướng dẫn quy trình và hồ sơ sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024; kiện toàn các tổ chức và bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên hướng dẫn thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố trong năm 2024.

Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị đa số các đại biểu đều đồng thuận và thể hiện quyết tâm sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề nghị cần sự hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là khó khăn về khoảng cách địa lý giữa các thôn sáp nhập với nhau khá xa, sau sáp nhập địa bàn rộng; sự khác biệt về dân tộc, phong tục tập quán giữa các dân tộc sau sáp nhập; nguồn lực đầu tư hạ tầng cho thôn/tổ sau sáp nhập, nhất là nhà văn hóa, đường giao thông kết nối; kinh phí hỗ trợ người dân thay đổi giấy tờ hành chính; sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn/tổ dôi dư sau sáp nhập…Những vấn đề nêu trên đã được lãnh đạo Sở Nội vụ trao đổi, giải đáp tại Hội nghị./.

Thanh Tuyền

BÌNH LUẬN