LÃNG PHÍ TỪ NHỮNG CÔNG TRÌNH BỎ HOANG

Những công trình, dự án được xây dựng trên diện tích đất công lại bỏ không hàng chục năm gây lãng phí đất. Trong khi đó nhu cầu về sử dụng đất công lại rất lớn. Vấn đề này đang xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn huyện.

 Nhà máy luyện gang Cẩm Giàng của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang đã dừng hoạt động, các hạng mục đã xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân sống gần nhà máy.

 Là xã có diện tích dong riềng lớn nhất huyện với 28ha, thế nhưng người trồng dong riềng tại xã Mỹ Thanh lại phải phụ thuộc vào thương lái mỗi khi bán dong riềng. Cách đây khoảng chục năm, một xưởng chế biến dong riềng của Cty TNHH Hoàng Giang xây dựng tại thôn Bản Luông với diện tích hơn 500m2 tạo kỳ vọng cho người dân cũng như chính quyền địa phương về việc thu mua và chế biến dong riềng. Thế nhưng chưa xây dựng hoàn thiện, thì đã bị bỏ hoang một cách lãng phí. Hiện trạng còn một số cấu kiện, nhà xưởng trên đất đang xây dựng dang dở. Bà Hà Thị Hạnh, thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh cho biết: “Tôi cũng thấy lãng phí, diện tích dong riềng lớn mà phải bán cho nới khác nên thường xuyên bị ép giá. Tôi cũng mong trên địa bàn có một nhà máy chế biên dong giềng để người dân có thể yên tâm sản xuất”.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri với đoàn Đại biểu HĐND tỉnh vừa qua, trả lời ý kiến của cử tri về mong muốn giải quyết đất đã cấp cho dự án để xây dựng chợ, sân thể thao, đại diện lãnh đạo UBND xã Mỹ Thanh cho biết hiện nay không tìm thấy hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc cấp đất cho dự án cũng như chưa thể xử lý tài sản trên đất… khiến cử tri không khỏi thắc mắc nhà xưởng, công trình được xây dựng như từ “trên trời rơi xuống”. Ông Đặng Quyết Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh mong muốn: “Đối với khu đất làm nhà xưởng sản xuất dong riềng không hoạt động, hiện nay đang bỏ không, xã cũng mong muốn thu hồi về để thực hiện các dự án khác” Nhà máy luyện gang Cẩm Giàng của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang thuộc xã Cẩm Giàng, được cải tạo, nâng cấp lại từ năm 2016 với diện tích khoảng 5ha, dây chuyền, thiệt bị hoàn toàn mới, đem lại kỳ vọng về ngành công nghiệp luyện kim của tỉnh. Thế nhưng chỉ chừng 1 năm sau, nhà máy đã hoạt động cầm chừng, và dừng hoạt động. Những đống nguyên vật liệu, chất đốt vẫn chất đống, hệ thống công xưởng đã xuống cấp. Xã Cẩm Giàng đã nhiều lần kiến nghị xem xét lại hoạt động của nhà máy và xử lý các phần tài sản còn lại để trán gây ảnh hưởng đến người dân, tuy nhiên thực tế đã xảy ra những hệ lụy nhất định, nhưng những tồn tại vẫn chưa được xử lý. Điều đó không khỏi gây lo lắng cho người dân và chính quyền địa phương về những hệ lụy và ảnh hưởng từ nhà máy mà hiện tại người dân vẫn đang phải hứng chịu. Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng cho biết: “ Đối với Nhà máy Tây Giang Cẩm Giàng chúng tôi cũng đã có nhiều ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện,cần có hướng giải quyết,tránh lãng phí

Hơn 7,8ha đất tại thôn Nà Hái, thị trấn Phủ Thông cũng được giao cho Cty Cổ phần Phiabjoóc để xây dựng nhà máy chế biến bột Cacbonat, nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài, im lìm không hoạt động.

Những dự án như trên không chỉ lãng phí đất, mà còn không thu được tiền sử dụng đất từ công trình, bởi vậy cần có biện pháp xử lý, thu hồi đất, xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, từ những lãng phí này cũng là một bài học cần phải rút kinh nghiệm đối với việc giao đất cho những dự án mà không mang tính khả thi trong thời gian tới./.

Đào Kiên