TĂNG CƯỜNG TÁC ĐẢM BẢO VỆ SINH, AN TOÀN LAO ĐỘNG

0

Trong những năm qua, vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động luôn được các ngành chức năng cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn huyện quan tâm, qua đó đã góp phần hạn chế những rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động sản xuất.

Là người thường xuyên đứng ra nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở của người dân, lúc nào anh Triệu Đình Quý – Thôn Cốc Thốc, xã Vi Hương cũng thường xuyên có 5-7 người thợ làm công, để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động luôn được anh quan tâm. Anh Quý cho biết thêm: “ Những anh em mới đi làm, chưa có kinh nghiệm đều được anh hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn trong quá trình lao động; cách vận hành sử dụng các loại máy móc. Để đảm bảo an toàn cho người lao động anh luôn chú trọng việc trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ và yêu cầu trước mỗi buổi làm việc, thợ phải mang đầy đủ đồ dùng như: ủng, giầy, găng tay, đội mũ cứng…và đặc biệt quán triệt anh em không được uống rượu trong quá trình lao động, nhằm tránh những tai nạn, rủi ro có thể gặp phải”.

 Lao động trong lĩnh vực xây dựng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động

Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp sử dụng lao động như nhà máy chế biến đũa tại xã Cẩm Giàng, 02 nhà máy sản xuất gạch Tuynen tại xã Cẩm Giàng, Quân Hà; Mỏ khai thác đá tại thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc…sử dụng hàng chục lao động, vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động cũng đã được các doanh nghiệp sử dụng lao động quan tâm như thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, bảo đảm phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Bên cạnh một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đảm bảo các điều kiện làm việc cũng như các chế độ bảo hiểm… trên thực tế thì nhiều người lao động chủ yếu làm việc theo thời vụ tại các xưởng gỗ bóc, xưởng sản xuất gạch không nung, xây dựng nhà ở, lao động sản xuất nông nghiệp… không được trang bị đầy đủ kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, đồ dùng bảo hộ, lao động trong điều kiện không đảm bảo an toàn, khói bụi…và đã có nhiều trường hợp người lao động gặp phải rủi do, tai nạn khi đi khai thác, vận chuyển gỗ, sử dụng máy phát cỏ, sử dụng máy thái thức ăn gia súc, lái xe tắc tơ, xây dựng nhà ở…thậm chí đã có một số trường hợp người lao động bị tai nạn dẫn đến tử vong hay bị thương tật.

Theo bà Phùng Thị Hiến – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện “ Để thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là Luật An toàn, vệ sinh lao động đến các tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề lao động. Bên cạnh đó huyện cũng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra tai nạn lao động…”./.

Thanh Tuyền