Nhiều năm nay, Trạm y tế xã Vi Hương đã ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc khám, chữa bệnh ban đầu. Đến nay, tỷ lệ cài app sổ khám sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh của xã Vi Hương đạt trên 72% và là xã dẫn đầu huyện.
Trạm y tế xã Vi Hương ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc khám, chữa bệnh ban đầu
Đến Trạm y tế xã Vi Hương khám bệnh, người dân có thể thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh dưới nhiều hình thức như: Thẻ bảo hiểm y tế giấy, ứng dụng VissID- Bảo hiểm xã hội số, sổ khám sức khỏe điện tử hoặc thẻ căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, cấp phát thuốc.
Trước đây mỗi khi đi khám chữa bệnh không chỉ riêng ở Trạm y tế xã mà các cơ sở y tế khác chị Hoàng Thị Hường, thôn Địa Cát đều phải đem theo nhiều giấy tờ như: Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh thư nhân dân, sổ khám chữa bệnh…Nhưng kể từ khi được làm thẻ căn cước công dân theo mẫu mới đồng thời tích hợp thêm các giấy tờ tùy thân liên quan nên khi đi khám, chữa bệnh chị chỉ cần mang căn cước công dân là đều thực hiện được việc khám bệnh rất thuận tiện. Chị Hoàng Thị Hường chia sẻ: “Trước đây khi mình chưa có thẻ căn cước công dân, đi khám, chữa bệnh phải mang rất nhiều giấy tờ, nhiều khi quên mang thẻ bảo hiểm y tế mất rất nhiều thời gian bởi không khám được mà phải quay về tìm giấy tờ, có lúc mất thẻ bảo hiểm y tế lại phải chờ cấp lại hoặc cần có các giấy tờ khác chứng minh. Giờ có thẻ căn cước công dân và điện thoại thông minh có cài app nên khi đi khám bệnh thấy rất nhanh gọn không phiền hà như trước nữa.”
Hiện nay, Trạm y tế xã Vi Hương thực hiện chuyển đổi số trong 02 lĩnh vực: khám chữa bệnh ban đầu từ xã; quản lí các chương trình y tế bằng phần mềm. Đối với việc khám và điều trị bệnh từ xa, Trạm được đầu tư hệ thống máy trực tuyến kết nối với các bệnh viện tuyến trên như: Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 108, Bệnh viện Y Hà Nội để có thể hội chẩn trực tiếp các căn bệnh khó, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ông Nguyễn Nông Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vi Hương cho biết: “Việc được đầu tư hệ thống kết nối khám, chữa bệnh ban đầu từ xa với bệnh viện tuyến trên đã tạo điều kiện cho đội ngũ y tế địa phương học tập được kinh nghiệm, cũng như nâng cao tay nghề; bệnh nhân được giải đáp các thắc mắc về quá trình điều trị bệnh, giảm chi phí đi lại”
Khi chuẩn hóa dân số hoàn chỉnh, số bảo hiểm y tế của người dân đã được tích hợp vào căn cước công dân, cập nhật trên phần mềm. Khi người dân đến khám chỉ cần mang theo căn cước công dân là có thể tiếp nhận và khám điều trị hoặc những người đã cài đặt ứng dụng VssID, VneID… điều được viên chức phụ trách tiếp nhận. Để thực hiện được công tác này, Trạm y tế đã tham mưu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập tổ hướng dẫn cài đặt ứng dụng sổ khám bệnh điện tử cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ cài ứng dụng sổ khám bệnh điện tử đạt trên 72% và là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này của huyện. Điều này, tạo thuận lợi cho Trạm y tế trong việc quản lý và điều trị các bệnh mãn tính cho người dân. Từ đó, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trạm y tế tăng lên, năm 2023 đã có 2.983 lượt, trong 06 tháng đầu năm 2024 hơn 1.400 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ban đầu.
Trạm y tế xã Vi Hương còn tích cực ứng dụng phần mềm số trong quản lí các chương trình y tế, trong đó công tác tiêm chủng thường xuyên từng bước được cũng cố và hoàn thiện, mang lại nhiều kết quả. Hàng tháng viên chức phụ trách lập kế hoạch trên phần mềm, rà soát lại các đối tượng còn thiếu mũi, thiếu thông tin để gọi tiêm và cập nhật kịp thời chính xác thông tin hành chính. Ngoài ra, Trạm y tế cũng triển khai thực hiện các phần mềm như: quản lý cán bộ công chức, viên chức, chữ ký số…tiến tới không dùng tiền mặt trong thực hiện các dịch vụ y tế.
Với sự nỗ lực trong ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh ban đầu và phần mềm quản lí tại Trạm y tế xã Vi Hương đã có nhiều kết quả tích cực, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn xã, góp phần cùng địa phương tiến tới về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024./.
Đào Kiên